XÁC ĐỊNH ĐỊA ĐIỂM ĐÔNG BỘ ĐẦU
TRẦN QUỐC VƯỢNG,
VŨ TUẤN SÁN
Đông Bộ Đầu là một địa điểm được nhắc đến nhiều lần trong lịch sử Việt Nam thời Lý, Trần, Lê. Nó là một bến quan trọng trên sông Hồng, là nơi đã diễn ra nhiều trận quyết chiến của quân dân ta chống xâm lược Nguyên, Minh...
Hầu hết các nhà sử học đều xác nhận vị trí Đông Bộ Đầu ở miền huyện Thượng Phúc (Thường Tín) tỉnh Hà Đông với lý do là ven sông Hồng thuộc huyện đó còn một xã tên là Bộ Đầu.
Một vài tác giả ban đầu theo quan điểm trên, về sau cảm thấy sai lầm nhưng vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của Đông Bộ Đầu và chỉ nói chung chung là ở phía Đông kinh thành Thăng Long.
Dưới đây chúng tôi sẽ chứng minh rằng việc đặt Đông Bộ Đầu ở xã Bộ Đầu huyện Thường Tín là sai lầm. Dựa vào các tài liệu thư tịch, bi ký chúng tôi sẽ cố gắng chỉ định một vị trí chính xác cho Đông Bộ Đầu, đồng thời tìm hiểu vai trò của Đông Bộ Đầu đối với kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.
Đông Bộ Đầu là một bến sông quan trọng của thành Thăng Long, ở trên bờ sông Hồng phía Đông kinh thành, không thể ở huyện Thường Tín, phía Nam kinh thành được.
Bộ Đầu vốn là một danh từ chung, có nghĩa là bến sông, là nơi đỗ thuyền ở bên sông[1]. Đại Việt sử kỳ Toàn thư (đời Lê) là sách chép sớm nhất tên Đông Bộ Đầu, khi nói đến loạn Quách Bốc, năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 đời Lý Cao Tông (1209). Sách ấy chép như sau:
“Tướng của Phạm Bỉnh Di là bọn Quách Bốc nghe tin (Bỉnh Di bị vuia bắt giam), bèn đem quân hò hét mà vào đến ngoài cửa Đại thành, bị người giữ cửa kháng cự, liền chém cửa mà vào. Vua thấy việc đã gấp, sai triệu Bỉnh Di và Phụ (con Bỉnh Di - TG) đến Lương Thạch xứ ở thềm Thuỷ Tinh giết chết. Bọn Bốc đột nhập Lương Thạch, lấy xe ngựa chở thây Bỉnh Di, lấy chiếu ngự bọc thây Phụ, do cửa Vịêt Thành đi ra, xuống bến Đông Bộ Đầu, rồi lại trở vào cung Vạn Diên lập hoàng tử Thẩm làm vua...”[2].
Sách Đại Việt sử lược (đời Trần) cũng chép việc đó nhưng lại gọi Đông Bộ Đầu là bến Triều Đông bộ: Quách Bốc “do cửa Việt Thành ra bến Triều Đông rồi lại vào cung Vạn Diên rước Vương tử Thẩm và Vương tử Sảm về Hải Ấp”[3]. Việt sử thông giám cương mục (đời Nguyễn) chép lại việc đó đã chú thích Đông Bộ Đầu là bến Đông Tân sông Nhị Hà bây giờ[4]. Ở một chố khác sách đó ghi rõ: "Đông Tân ở bờ sông Nhị, phía Đông thành Đông Kinh”[5].
Vậy Triều Đông Bộ, Đông Bộ Đầu, Đông Tân đều chỉ một địa điểm, đó là bến phía Đông kinh thành Thăng Long (thành Đông Kinh thời Lê) trên sông Hồng.
Đông Bộ Đầu (hay Triều Đông bộ) theo ghi chép của Toàn thư và Việt sử lược ở ngay sát kinh thành Thăng Long thời Lý Trần: từ cửa Việt Thành ở bên trái điện Kính Thiên đi ra ngay bến Đông Bộ Đầu[6]. Việt sử lược còn chép một đoạn rất rõ: Năm 1209 “Thuận Lưu, Khoái vì việc Bỉnh Di chết, đem thuỷ quân đến đánh kinh sư. Tiền quân đỗ ở bến Đông Bộ (tức Đông Bộ Đầu - TG), do cửa nách bên trái vào thẳng Cấm thành cướp lấy các bảo vật[7]. Vậy rõ ràng Đông Bộ Đầu không thể ở tận Thường Tín được.
Vì Đông Bộ Đầu là bến sông quan trọng sát kinh thành nên thuyền bè của vua chúa, tướng tá thường cập bến Đông Bộ Đầu khi về kinh thành. Sau khi đánh Chiêm Thành, ngày 17 tháng 7 năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Nguyên soái Lý Thường Kiệt “từ Chiêm Thành về đến bến Triều Đông”[8]. Năm 1370, Trần Nghệ Tông từ bến Chử Gia (Khoái Châu, Hưng Yên) tiến lên Thăng Long dẹp Dương Nhật Lễ, thuyền quân cập bến Đông Bộ Đầu[9]. Cũng vì Đông Bộ Đầu là cửa ngõ phía Đông của kinh thành Thăng Long nên nhà Lý đã cho xây dựng một cửa thành ở bến Triều Đông và cắt quân coi giữ. Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 3 đời Lý Anh Tông (1165), nhà Lý sai “dời Đại La thành ở cửa Triều Đông lùi vào 75 thước, xây bằng gạch đá để tránh nước sông vỡ lở”[10].
Là bến sông quan trọng trên sông Hồng, Đông Bộ Đầu đồng thời là nơi đã diễn ra các cuộc thi bơi chải hàng năm. Bơi chải là một phong tục cổ truyền của nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, năm 1011 Lý Thái Tổ đã cho xây ở “bến Đông của sông Lô” (đời Lý gọi sông Hồng là sông Lô) một cung điện gọi là điện Hàm Quang, chuyên dùng làm nơi vua ngự xem đua thuyền vào mùa thu hàng năm. Năm 1058, Lý Thánh Tông sai xây điện Linh Quang trên sông Lô (Hồng) làm nơi xem đua thuyền[11].
Năm 1237 nhà Trần xây “điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu[12], gọi là điện Phong Thuỷ. Phàm xa giá (nhà vua) đi qua trú chân ở đó, trăm quan nghênh tiếp và tống tiễn đều dâng (trầu) cau và trà nên tục gọi là “Trà điện”[13]. Năm Hưng Long thứ 4 (1296), tháng 7, Trần Anh Tông “ra Đông Bộ Đầu xem đua thuyền”[14]. Năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), ngày 18 tháng 10 Lê Thái Tông “ra bến Đông Tân xem trăm quân đua bơi”[15]. Năm 1619, Bình An vương Trịnh Tùng “ra lầu ở bến Đông Tân xem bơi thuyền”[16].
Đông Bộ Đầu là một khởi điểm giao thông quan trọng từ Thăng Long sang miền Bắc, không thể ở phía Bộ Đầu huyện Thường Tín được.
Từ thời Lý ở bến Triều Đông có bắc cầu phao qua sông Hồng để giao thông với miền Bắc Giang[17]. Thời thuộc Minh, giặc Minh cũng bắc cầu phao ở bến Đông Tân thuộc huyện Đông Quan để thông với phủ Bắc Giang[18]. Huyện Đông Quan thời thuộc Minh là huyện phụ quách của thành Đông Quan, tức là huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận là huyện phụ quách của thành Hà Nội thời Nguyễn[19]. Vậy Đông Tân hay Đông Bộ Đầu không thể ở Bộ Đầu huyện Thường Tín vốn là huyện Bảo Phúc thời thuộc Minh. Vả lại, căn cứ vào việc quân Minh bắc cầu nổi ở Đông Tân để thông với Bắc Giang, thì việc đặt Đông Bộ Đầu ở Thường Tín (đối diện với Hưng Yên) lại càng không đúng.
Đông Bộ Đầu là một vị trí quân sự xung yếu của kinh thành Thăng Long, nơi giành giật giữa ta và giặc ngoại xâm, nơi đã ghi lại những chiến công oanh liệt của quân dân ta chống giặc ngoại xâm.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lầng thứ nhất (1258), quân Mông Cổ đã tiến chiếm Đông Bộ Đầu[20]. Sau khi tạm rút lui xuống vùng sông Thiên Mạc (Hưng Yên), ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 (29-1-1258), Trần Thái Tông cùng Thái tử thống suất lâu thuyền, tiến quân lên Đông Bộ Đầu, tổ chức phản công, đại phá quân Mông Cổ, thu phục lại Thăng Long và kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc. Được tin quân Nguyên sắp kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai, năm Giáp Thân niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 đời Trần Nhân Tông (1284), “tháng 8, Trần Hưng Đạo điều động quân của các vương hầu duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu (rồi) chia quân đi đóng giữ Bình Than và các nơi xung yếu...”[21]. Ngày 6 tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ 7 (11-2-1285), Ô Mã Nhi và giặc Nguyên đánh vạn Kiếp, Phả Lại; ngày 12 (17-2-1258) giặc đánh Vũ Ninh (Võ Giàng), Đông Ngàn (Từ Sơn), Gia Lâm, đến Đông Bộ Đầu, dựng lá cờ lớn[22]. Vua Trần sai Đỗ Khắc Chung đến trại Ô Mã Nhi dò hư thực. Giờ mão ngày 13 (5-7 giờ sáng ngày 12-8-1258), Khắc Chung từ chỗ quân Nguyên về, giặc đuổi theo, cùng quân ta đại chiến. Ngày 13, sau khi đánh bại quân ta ở Lô giang (sông Hồng), quân Nguyên chiếm được Thăng Long[23]. Tháng 5-1285, quân ta phản công địch mạnh mẽ: Trung Thành vương đánh Thiên hộ Mã Vinh ở Giang Khẩu (tức Hà Khẩu, khoảng phố Chợ Gạo và cuối phố Hàng Buồm ngày nay[24]), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Thượng tướng Trần Quang Khải cùng Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại giặc ở Chương Dương (Thường tín), kinh thành... Quân giặc tan vỡ lớn, Thoát Hoan, A Thích bỏ chạy qua sông Lô (Hồng Hà) về Bắc Giang[25].
Cứ theo những ghi chép trên thì Đông Bộ Đầu phải là bến sông đối diện với Gia Lâm. Giặc chiếm Đông Bộ Đầu rồi tiến vào chiếm Thăng Long. Nếu cho Đông Bộ Đầu ở phía huyện Thường Tín thì cuộc hành quân của giặc trở nên quanh quẩn và rõ ràng là phi lý!
Sang thế kỷ XV, trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống giặc Minh, sau các chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Lê Lợi thống suất đại quân từ Thanh Hoá tiến gấp ra Bắc, tổ chức vây hãm thành Đông Quan. Tháng 11 năm 1426, Lê Lợi trú quân ở Lung Giang (vùng sông Đáy). Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị “theo Đại Lung giang ra cửa sông Hát, thuận dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu của sông Lô”[26], tấn công vào mặt Đông thành Đông Quan, trong khi Đinh Lễ đánh vào vùng cầu Tây Dương (Cầu Giấy) ở mặt Tây và Lê Lợi chỉ huy đạo quân chủ lực tiến lên cửa Nam Đại La thành, đánh vào mặt Nam[27]. Xem thế đủ biết Đông Bộ Đầu là một cửa ngõ quan trọng ở ngay phía Đông thành Đông Quan, tức Kinh thành Thăng Long cũ.
Gần đây nhân đọc một bài bi ký thời Lê Trung hưng ở chùa Hồng Phúc (còn gọi là chùa Hoà Nhai hay chùa Hoè Nhai, ở phố Hàng Than, Hà Nội) chúng tôi thấy có thể định một vị trí chính xác cho Đông Bộ Đầu. Bia đề ngày 21 tháng Chạp năm 24 hiệu Chính Hoà triều Lê (1703 - đời Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn) do hà Tông Mục (người Thiên Lộc, nay là Can Lộc, Hà Tĩnh) đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1688) làm quan Bồi tụng, tước Hồng Lô tự khanh[28]) soạn nhân dịp làm lại chùa Hồng Phúc. Văn bia có đoạn như sau:
"Ngã Đại Việt Thăng Long Thành chi Đông Bộ Đầu Hoè Nhai phường hữu tự danh Hồng Phúc Đài Lô giang nhi khâm Tô Lịch, khống Tản lĩnh nhi củng Thần cư."
Tạm dịch:
“Phường Hoè Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt có ngôi chùa tên là Hồng Phúc, lấy Lô giang (sông Hồng) làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về cung vua”.
Sách Hà thành linh tích cổ lục (mục Hồng Phúc tự)[29] cũng viết: Chùa Hồng Phúc “ở phường Giai Cảnh, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, tục gọi là chùa Hoà Giai, thuộc Đông Bộ Đầu...” (Hoà Giai chắc là tên đọc trệch của Hoè Nhai).
Chùa Hồng Phúc nay ở cạnh số nhà 17 phố Hàng Than, gần dốc lên đê Yên Phụ, xưa thuộc địa phận xã Hoè Nhai (còn gọi là Giai Cảnh), huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội. Phố Hoè Nhai ở mé dưới chùa, chạy thẳng ra đê Yên Phụ. Vậy Đông Bộ Đầu là bến sông Hồng ở vào khoảng từ dốc Hàng Than đến dốc phố Hoè Nhai hiện nay, mé trên cầu Long Biên một chút. Ngày nay chỗ đó chỉ còn một lạch nhỏ thuộc bãi Phúc Xá hạ. Thượng toạ Thích Tâm Huy (năm nay 72 tuổi, trụ trì chùa Hồng Phúc và ở chùa này từ bé) cho chúng tôi biết hồi còn bé, thượng toạ vẫn đi cổng sau chùa ra tắm ở bến sông này, thuyền bè đậu san sát ở đó.
Về nguyên uỷ tên phố Hoè Nhai, theo tục truyền, mỗi khi vua Lý từ Hoàng thành Thăng Long ra chùa Hồng Phúc hay về thăm quê Cổ Pháp Đình Bảng, Bắc Ninh), đều đi theo đường phố này rồi ra sông Hồng; theo lệ quy định, mỗi triều thần phải trồng một cây hoè ở hai bên đường, vì vậy nó được gọi là “đường trồng hoè” (Hoè Nhai)[30]. Truyền thuyết đó chứng tỏ Đông Bộ Đầu ở cuối phố Hoè Nhai, bên bờ sông Hồng quả là bến sông quan trọng của kinh thành Thăng Long thời Lý, giao thông với phủ Bắc Giang (nơi có quê hương nhà Lý). Bên tả ngạn sông Hồng, xế dốc Hàng Than, đối diện với xã Tứ Liên, có thôn Bắc Cầu, xưa có tên là Đông Cầu (cầu phía Đông), tương truyền xưa là đầu cầu về phía Đông của cầu phao bắc qua sông Hồng sang Hà Nội[31]. Truyền thuyết này cũng phù hợp với sự thực lịch sử là ở thời Lý-Trần-Lê thỉnh thoảng có bắc cầu phao từ Đông Bộ Đầu qua bên tả ngạn sông Hồng để sang Kinh Bắc. Hai truyền thuyết kể trên là tá chứng, giúp thêm vào việc xác định vị trí Đông Bộ Đầu ở đầu dốc Hàng Than và dốc Hoè Nhai. Vị trí đó của Đông Bộ Đầu phù hợp với toàn bộ các tài liệu thư tịch đã dẫn ở trên.
*
Việc xác định vị trí Đông Bộ đầu như đã trình bày ở trên sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề vị trí của Hoàng thành Thăng Long thời Lý Trần. Mấy năm gần đây, trong giới sử học Việt Nam đã phổ biến quan niệm cho rằng Hoàng thành thời Lý Trần không phải ở vị trí thành Hà Nội thời Nguyễn mà là ở phía Tây thành Hà Nội thời Nguyễn. Về phía Đông nó chỉ đến vùng Quảng trường Ba Đình, đường Hùng Vương và đền Quán Thánh. Đến thời Lê, Hoàng thành mới xê dịch dần về phía Đông cho gần sông Hồng[32]. Theo ý chúng tôi, những chứng cớ mà các nhà nghiên cứu sử học và địa lý lịch sử đã nêu ra để bênh vực giả thuyết đó chưa được dồi dào và vững chắc. Nhân tìm hiểu vị trí Đông Bộ Đầu, chúng tôi mạnh dạn nêu lên một gợi ý sau đây: Theo Toàn thư và Việt sử lược, từ cửa Việt Thành ở bên trái điện Kính Thiên trong Hoàng thành đi ra là xuống bến Đông Bộ Đầu, ngược lại từ Đông Bộ Đầu đi vào theo cửa nách bên trái là đến thẳng Cấm thành. Vậy phải chăng Hoàng thành Thăng Long từ thời Lý Trần đã được xây dựng ở gần sông Hồng? Tuy nhiên, đấy là một vấn đề phức tạp, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu thêm. Chúng tôi hy vọng sẽ đề cập đến vấn đề vị trí thành Thăng Long thời Lý Trần trong một bài nghiên cứu riêng.
Chú thích:
[1] Xem Từ nguyên, Từ hải….
[2] Toàn thư, Bản kỷ, Q.4, 25b.
[3] Việt sử lược, Q.3, 19a, bản dịch của Nxb. Văn sử địa, Hà Nội, 1960, tr.176 - 177.
[4] Cương mục, Chính biên, Q.5, tờ 33 (Bản dịch của Ban Nghiên cứu Văn sử địa).
[5] Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, tr.176 đã đoán: “Triều Đông hẳn là bến Đông Bộ Đầu đời sau trên sông Hồng, trước thành Thăng Long”. Triều Đông bộ có lẽ có nghĩa là bến Đông chầu vào Kinh thành Thăng Long.
[6] Toàn thư, Bản kỷ, Q.4, 25b; Việt sử lược, Q.3, 14a (bản dịch, trang 165 - 166): Chữ “hữu” phải sửa là chữ “tả”. Tả là phía Đông.
[7] Việt sử lược, bản dịch, Sđd, tr.178.
[8] Việt sử lược, bản dịch, Sđd, tr.105, cũng xem các trang 146, 178, 183.
[9] Toàn thư, Q.6, 33b; Cương mục, Q.10, tờ 26.
[10] Việt sử lược, bản dịch, Sđd, tr.72; Toàn thư, Q.2, 5a.
[11] Việt sử lược, bản dịch, Sđd, tr.96, 113; Toàn thư, Q.3, 19a, b, 35b chép các cuộc đua thuyền ở đó năm 1080, 1118, 1119, 1123, 1130… Sau năm 1058 không thấy nói đến điện Hàm Quang nữa. Có thể điện Hàm Quang sau đổi là Linh Quang.
[12] Toàn thư, Q.5, 11a chép là "dời xây (di tạo) điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu”. Có thể là “tu tạo” (sửa lại) vì điện Linh Quang trên sông Hồng đã có từ thời Lý.
[13] Toàn thư, Q.5, 11a.
[14] Toàn thư, Q.6, 4b.
[15] Toàn thư, Q.11, 31a; Cương mục, Q.16, tờ 31.
[16] Toàn thư, Q.18, 18b; Cương mục, Q.31, tờ 17.
[17] Việt sử lược, bản dịch, Sđd, 193: “Vương Lê, Nguyễn cải đánh cầu nổi ở bến Triều Đông”; tr.194: “Bọn Đoàn Cấm người Hồng Châu (Hải Dương) đánh nhau với tướng nhà Trần là Phan Lân ở Chợ Dừa “thua chạy, qua cầu nổi ở bến Triều Đông mà về”.
[18] An Nam chí nguyên, Q.2; Đại Thanh nhất thống chí cũng chép như vậy.
[19] Toàn thư, Q.5, 23a.
[20] Toàn thư, Q.5, 22b.
[21] Toàn thư, Q.5, 44a.
[22] Toàn thư, Q.5, 45.
[23] An Nam chí lược, Q.4 (Việc Chinh thảo và vận lương).
[24] Toàn thư, Q.5, 25a có nói đến cầu Giang Khẩu, Q.5, 33b nói đến phường Giang Khẩu. Theo Vũ trung tuỳ bút (Nxb. Văn hoá, 1960), Giang Khẩu là Hà Khẩu.
[25] Toàn thư, Q.5, 48b.
[26] Toàn thư, Q.10, 23b; Cương mục, Q.13, tờ 29.
[27] Toàn thư, Q.10, 23b.
[28] Đăng khoa lục, Cương mục đều chép Hà Tông Mục người xã Tinh Thạch, huyện Thiên Lộc, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1688), năm 1699 được thăng Tự khanh (Cương mục, Q.34, tờ 30, 46).
[29] Ký hiệu A.497 Thư viện Khoa học Trung ương.
[30] Xem Lược sử tên phố Hà Nội, Hà Nội, 1964, tr.253.
[31] Tài liệu do cụ Nguyễn Đình Mán, 72 tuổi, người thôn Bắc Cầu cung cấp. Các cố lão vùng đó đều nói thời xưa từ Hà Nội sang Bắc Ninh đều đi qua sông Cầu chứ không đi theo lối cầu Long Biên hiện nay.
[32] Trần Huy Bá, Thử bàn về vị trí thành Thăng Long đời Lý, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (8/1959); Hoàng Xuân Chinh, Thử bàn về vị trí thành Thăng Long, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 9 (11/1959); Lịch sử thủ đô Hà Nội, Nxb. Sử học, 1960, tr.23, 58; Trần Hải Lượng, Bàn về địa giới thành Thăng Long, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 68 (11/1964), tr.15…
Nguồn: Bài in trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 77 (8/1965), tr.56 - 59.
Theo Website Khoa Lịch sử, khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn, 25-06-2010.
Ý kiến bạn đọc
Thứ ba - 03/12/2024 13:12
Thứ ba - 03/12/2024 11:12
Chủ nhật - 01/12/2024 08:12
Thứ bảy - 30/11/2024 14:11
Thứ sáu - 29/11/2024 17:11